Hệ thống cảnh sát

  1. Đồn: Phạm vi hoạt động bao quát từ 1 đến vài Xã.

  2. Sở: Phạm vi hoạt động bao quát 1 Thành Phố hoặc 1 Quận.

  3. Cục: Phạm vi hoạt động bao quát 1 Tỉnh hoặc 1 Bang.

  4. Quốc Gia/Liên Bang: Phạm vi hoạt động bao quát 1 Quốc Gia.

  5. Quốc Tế: Phạm vi hoạt động bao quát toàn Thế Giới.


Thẻ cảnh sát: có tích hợp mã, thông tin của cảnh sát vào băng tay hologram đặc trưng.

Logo cảnh sát


Cấp độ bảo mật thông tin

  1. Cấp I - Công Khai (Public): Đối tượng được phép biết là thường dân và các nhân sự từ Cấp 1 đến Cấp 2.

  2. Cấp II - Quy Trình (Procedure): Đối tượng được phép biết là các nhân sự từ Cấp 3 đến Cấp 4.

  3. Cấp III - Quản Trị (Administrative): Đối tượng được phép biết là các Nhân Sự Cấp 5.

  4. Cấp IV - Cơ Quan (Organization): Đối tượng được phép biết là các Nhân Sự Cấp 6.

  5. Cấp V - Quốc Gia (National): Đối tượng được phép biết giới hạn chỉ cho các Nhân Sự Cấp 6 thuộc Cấp Bậc Cơ Quan Cục trở lên.

  6. *Cấp VI - Thế Giới (Global): Đối tượng được phép biết giới hạn cho duy nhất các Nhân Sự Cấp 6 thuộc Cấp Bậc Cơ Quan Quốc Tế.

Phân loại bộ phận cảnh sát

  • Điều Tra Viên: Chuyên điều tra hiện trường, thiết lập hồ sơ đặc điểm và hợp tác với các bộ phận khác hoặc hoạt động độc lập để giải quyết các vụ trọng án được thực hiện bởi con người.
             Cảnh Sát Vũ Trang: Là 1 Lực lượng đặc biệt thuộc bộ phận Điều Tra Viên, bao gồm các thành viên tinh nhuệ nhất và được đào tạo bài bản, có khả năng sử dụng vũ lực, vũ trang, cũng như công nghệ để thực hiện các nhiệm vụ áp chế loại nghi phạm đã vượt qua khả năng áp chế máy móc của robot và android.

  • Giám Sát Viên: Chuyên giám sát các robot và android thực thi công vụ và giải quyết các vụ án liên quan đến cấy ghép bộ phận robot bổ trợ, robot và android.

Cấp bậc cảnh sát

Mỗi Cấp Bậc Cảnh Sát theo thứ tự cũng đồng thời tương ứng với Cấp Bậc Nhân Sự cùng số của thứ tự đó. Mỗi Cấp Bậc Nhân Sự có toàn bộ thẩm quyền của Cấp Bậc Nhân Sự dưới cấp cũng như quyền bãi bỏ bất kỳ chỉ thị được đưa ra nào của Cấp Bậc Nhân Sự dưới cấp trừ khi được mô tả là không có quyền hoặc nghĩa vụ đó.

Điều tra viên

  1. Điều Tra Viên: Có nhiệm vụ thu thập các mẫu vật để thiết lập vụ án và hỗ trợ điều tra hiện trường. Luôn đi cùng với ít nhất 1 Thám Tử hoặc 1 Thanh Tra.

  2. Thám Tử: Có nhiệm vụ điều tra hiện trường vụ án, thiết lập hồ sơ đặc điểm cho đối tượng tình nghi, và thẩm vấn nghi phạm. Luôn đi cùng với Đội Điều Tra của mình. Có thể kêu gọi hợp tác với các bộ phận hoặc Đội Điều Tra khác để giải quyết vụ án.

  3. Thanh Tra: Có nhiệm vụ giám sát công việc của Thám Tử và Điều Tra Viên tại hiện trường. Có thể tham gia điều tra hoặc có thể hoạt động độc lập. Nếu Thanh Tra tham gia điều tra, thì quyền đưa chỉ thị sẽ là của Thanh Tra tại hiện trường, Thanh Tra cũng sẽ có mọi nhiệm vụ cũng như thẩm quyền của Thám Tử tại hiện trường trong tình huống này.

  4. Đặc Vụ Giám Sát: Có nhiệm vụ quản lý tiến độ của các vụ án, truy vết các tội phạm có tổ chức, thực hiện các công việc hành chính, và thực hiện hoạt động nghe lén được cấp phép bởi Tòa án. Có thể hoạt động độc lập hoặc có thể hợp tác với các Đội Điều Tra khác. Không thể đưa chỉ thị cho Đội Điều Tra tại nơi điều tra hiện trường vụ án của 1 Thám Tử hoặc 1 Thanh Tra mà không có mặt của Thám Tử/Thanh Tra đó trừ khi Thám Tử/Thanh Tra đó tại thời điểm đó không có khả năng đưa chỉ thị. Trong tình huống Đặc Vụ Giám Sát nhận được thẩm quyền của Thám Tử/Thanh Tra tại hiện trường điều tra, Đặc Vụ Giám Sát sẽ có mọi nhiệm vụ cũng như thẩm quyền của Thám Tử/Thanh Tra tại hiện trường này.

  5. Trợ Lý Phụ Trách Đặc Vụ: Có nhiệm vụ hỗ trợ Trưởng Phụ Trách Đặc Vụ phân phối và bàn giao các vụ án cho các Đội Điều Tra, đánh giá nhân sự và các kế hoạch nhân sự, xem xét và sắp xếp thứ tự ưu tiên của các vụ điều tra, và giao tiếp cũng như hợp tác với các cơ quan cảnh sát khác. Không có nghĩa vụ tại hiện trường vụ án trừ khi thực hiện công việc hỗ trợ và đánh giá. Có thể đưa chỉ thị hợp tác cho các Đội Điều Tra cũng như yêu cầu hợp tác từ các bộ phận khác nếu cần thiết khi đánh giá rằng vụ điều tra đã gia tăng mức độ phức tạp hoặc cần được ưu tiên giải quyết.

  6. Trưởng Phụ Trách Đặc Vụ: Có nhiệm vụ phân phối và bàn giao các vụ án, định hướng điều tra vụ án, đánh giá các vụ điều tra và giám sát, xem xét và sắp xếp thứ tự ưu tiên của các vụ điều tra, tuyển chọn nhân sự, và quản lý các hoạt động ngầm được thực hiện bởi các đặc vụ cấp dưới. Không có nghĩa vụ tại hiện trường vụ án, mọi tài liệu về các vụ điều tra và giám sát đều được báo cáo bởi Trợ Lý Phụ Trách Đặc Vụ. Có thể đưa chỉ thị hợp tác cho các Đội Điều Tra cũng như yêu cầu hợp tác từ các bộ phận khác nếu cần thiết khi đánh giá rằng vụ điều tra đã gia tăng mức độ phức tạp hoặc cần được ưu tiên giải quyết. Trưởng Phụ Trách Đặc Vụ có quyền huy động Lực Lượng Cảnh Sát Vũ Trang nhằm áp chế loại nghi phạm đã vượt qua khả năng áp chế máy móc của robot và android mà không cần nhận cấp phép từ Toà Án hay nhận yêu cầu của Viện Công Tố.


Cảnh Sát Vũ Trang: Nhận chỉ thị từ Tòa Án, Viện Công Tố, và Trưởng Phụ Trách Đặc Vụ.

  1. Hạ Sĩ: Có nhiệm vụ chính là thực hiện các chỉ thị từ cấp trên và luôn sẵn sàng để nhận chỉ thị mọi lúc yêu cầu. Luôn đi cùng với ít nhất 1 Hạ Sĩ khác, 1 Trung Sĩ, hoặc 1 Thượng Sĩ. Trong trường hợp đơn vị được huy động thiếu Trung Sĩ/Thượng Sĩ, (các) Hạ Sĩ Lâu Năm Nhất sẽ chỉ huy. Kích cỡ đơn vị có thể chỉ huy của mỗi Hạ Sĩ là 1 Tổ Đội (2-4 người).

  2. Trung Sĩ: Có nhiệm vụ đưa chỉ thị cho các thành viên thuộc đơn vị của mình theo lời của Thượng Sĩ, quản lý mọi thành viên dưới cấp thuộc đơn vị của Thượng Sĩ và đảm bảo công việc hằng ngày của mỗi thành viên được thực hiện cũng như huấn luyện và luyện tập. Luôn đi cùng với 1 Thượng Sĩ hoặc đơn vị của mình. Kích cỡ đơn vị có thể chỉ huy của mỗi Trung Sĩ là 1 Tiểu Đội (8-12 người).

  3. Thượng Sĩ: Có nhiệm vụ quản lý mọi thành viên thuộc đơn vị của mình, kiểm tra các thành viên cũng như trang thiết bị của đơn vị, và đưa ra kế hoạch cho đơn vị của mình theo chỉ thị. Luôn đi cùng với 1 Trung Sĩ hoặc đơn vị của mình. Kích cỡ đơn vị có thể chỉ huy của mỗi Thượng Sĩ là 1 Phân Đội (16-20 người). Trong 1 đơn vị từ kích cỡ Trung Đội trở lên, Thượng Sĩ sẽ là trợ thủ trong việc quản lý nhân sự lẫn cố vấn cho chỉ huy đơn vị này.

  4. Thiếu Uý: Có nhiệm vụ đưa mọi chỉ thị cần thiết để hoàn thành mục tiêu được giao. Có thể kêu gọi hợp tác với các bộ phận hoặc đơn vị khác. Có thể yêu cầu sử dụng robot và android và vũ khí hóa chúng cho mục đích sử dụng của đơn vị của mình. Luôn đi cùng với ít nhất 1 Thượng Sĩ hoặc tự chỉ huy. Kích cỡ đơn vị có thể chỉ huy của mỗi Thiếu Uý là 1 Trung Đội (25-40 người). Trong trường hợp tìm thấy đơn vị khác bị mất chỉ huy tại tiền tuyến, Thiếu Uý có thể trở thành chỉ huy tạm thời của đơn vị đó cho đến khi đơn vị rút lui về cơ quan hoặc hoàn thành nhiệm vụ.

  5. Trung Uý: Có nhiệm vụ hỗ trợ Đại Uý nhận, giải thích, và giao mục tiêu của mỗi chiến dịch hoặc cuộc huy động cho tất cả mọi thành viên của Lực Lượng Cảnh Sát Vũ Trang, yêu cầu thông tin từ các bộ phận khác và cung cấp thông tin cho Đại Uý và các bộ phận có liên quan, và thay mặt Đại Uý đưa hoặc bác bỏ các chỉ thị riêng biệt của các đơn vị nhỏ hơn. Có thể kêu gọi hợp tác với các bộ phận khác. Có thể yêu cầu sử dụng robot và android và vũ khí hóa chúng cho mục đích sử dụng của đơn vị của mình hoặc đơn vị khác. Luôn đi cùng với Đại Uý, 1 Thượng Sĩ, hoặc tự chỉ huy. Kích cỡ đơn vị có thể chỉ huy của mỗi Trung Uý là 1 Đại Đội (50-200 người). Trong trường hợp Đại Uý bị vô hiệu hoá, Trung Uý sẽ trở thành Đại Uý Uỷ Nhiệm Tạm Thời và có mọi trách nhiệm và thẩm quyền của 1 Đại Úy.

  6. Đại Uý: Có nhiệm vụ xử lý mục tiêu của mỗi chiến dịch hoặc cuộc huy động, giao nhiệm vụ cho các chỉ huy đơn vị hợp lý, thăng cấp cho các thành viên được đề cử của Lực Lượng Cảnh Sát Vũ Trang, nhận hoặc từ chối đề xuất thành viên của Trưởng Phụ Trách Đặc Vụ thông qua 1 bài kiểm tra thành viên, và giao tiếp cũng như hợp tác với các bộ phận khác. Có thể kêu gọi hoặc cưỡng chế yêu cầu hợp tác với các bộ phận khác. Có thể cấp quyền lẫn đề nghị sử dụng robot và android và vũ khí hóa chúng cho mục đích sử dụng trong chiến dịch hoặc cuộc huy động. Luôn đi cùng với Trung Uý, 1 Thượng Sĩ, hoặc tự chỉ huy. Đại Uý có thể chỉ huy toàn thể Lực Lượng Cảnh Sát Vũ Trang. Đại Uý có thể tự chọn ra thành viên để trở thành Trung Uý của mình trong mọi trường hợp, giới hạn số lượng Trung Uý là 1. Khi bất cứ đơn vị nào bị từ chối di chuyển vào khu vực bởi 1 Trưởng Phụ Trách Khu Vực, Đại Uý có thể thương lượng với Trưởng Phụ Trách Khu Vực đó hoặc tự bác bỏ lệnh và quyền hạn của Trưởng Phụ Trách Khu Vực đó bằng lý do thích đáng.


Giám sát viên

  1. Giám Sát Viên (Người Giám Sát / Cảnh Sát Giao Thông / Cảnh Sát Đường Biên ở cấp bậc cơ quan từ Quốc Gia và Liên Bang trở lên): Có nhiệm vụ giám sát trực tiếp và quản lý khi cần thiết các robot và android đang thực thi công vụ tại khu vực được chỉ định. Luôn phải ở trong phạm vi giám sát của mình cùng với ít nhất 2 robot và/hoặc android trong tầm quản lý hoặc 1 Giám Sát Viên/cấp trên có thẩm quyền giám sát khác.

  2. Điều Hành Viên: Có nhiệm vụ giám sát camera an ninh công cộng, và giám sát và điều hành khi cần thiết các hoạt động và lịch trình, lịch sử, và lộ trình của robot và android đang và có thể thực thi công vụ thuộc quản lý của Đội Giám Sát phụ trách tại cơ quan của mình. Có thể cấp phép cho Đội Giám Sát phụ trách quyền vũ khí hoá robot và android của họ. 1 Đội Giám Sát luôn có 2 Điều Hành Viên, và 1 Điều Hành Viên luôn ở cùng với Điều Hành Viên cùng đội với mình khi trong ca trực. Nghĩa vụ đặc biệt của Điều Hành Viên, là phê duyệt đề xuất đàn áp những cá nhân cụ thể (bao gồm cả yêu cầu vũ khí hóa robot và android trong quá trình đàn áp) được đưa ra bởi Trưởng Phụ Trách Khu Vực cùng với Trưởng Phòng Giám Sát của mình.

  3. Trưởng Phòng Giám Sát: Có nhiệm vụ kiểm tra công việc của các Điều Hành Viên, của các Giám Sát Viên, và trạng thái hoạt động của robot và android thuộc các Đội Giám Sát dưới quyền. Có thể tham gia giám sát và điều hành các robot và android hoặc có thể hoạt động độc lập với bất kỳ robot và android riêng lẻ nào. Nếu Trưởng Phòng Giám Sát tham gia giám sát hoặc điều hành, thì quyền đưa chỉ thị sẽ là của Trưởng Phòng Giám Sát tại Phòng Điều Hành, Trưởng Phòng Giám Sát cũng sẽ có mọi nhiệm vụ cũng như thẩm quyền của Điều Hành Viên tại phòng trong tình huống này. Nghĩa vụ đặc biệt của Trưởng Phòng Giám Sát, là phê duyệt đề xuất đàn áp những cá nhân cụ thể (bao gồm cả yêu cầu vũ khí hóa robot và android trong quá trình đàn áp) được đưa ra bởi Trưởng Phụ Trách Khu Vực cùng với các Điều Hành Viên phụ trách.

  4. Kỹ Thuật Viên Giám Sát: Có nhiệm vụ quản lý tiến độ của các vụ án hoặc sự cố và phân loại quan trọng từ các báo cáo hoạt động điều độ của robot và android, thực hiện các công việc hành chính, tuyển chọn nhân sự, yêu cầu thay đổi, bảo trì, hoặc nâng cấp robot và android cũng như các trang thiết bị máy móc khác của cơ quan, và giám sát robot và android hỗ trợ công dân tại sảnh trước, qua điện thoại, hoặc các yêu cầu cung cấp thông tin của các cơ quan và bộ phận khác về hoạt động của mọi thiết bị máy móc trong phạm vi quản lý của cơ quan. Có thể hoạt động độc lập với bất kỳ robot và android riêng lẻ nào hoặc có thể hợp tác với các Đội Giám Sát khác. Không thể đưa chỉ thị cho Đội Giám Sát tại Phòng Giám Sát của các Điều Hành Viên hoặc 1 Trưởng Phòng Giám Sát mà không có mặt của 1 trong 2 Điều Hành Viên/Trưởng Phòng Giám Sát tại đó trừ khi các Điều Hành Viên/Trưởng Phòng Giám Sát đó tại thời điểm đó không có khả năng đưa chỉ thị. Trong tình huống Kỹ Thuật Viên Giám Sát nhận được thẩm quyền của các Điều Hành Viên/Trưởng Phòng Giám Sát Tra tại Phòng Giám Sát, Kỹ Thuật Viên Giám Sát sẽ có mọi nhiệm vụ cũng như thẩm quyền của các Điều Hành Viên/Trưởng Phòng Giám Sát tại phòng này.

  5. Trợ Lý Phụ Trách Khu Vực: Có nhiệm vụ hỗ trợ Trưởng Phụ Trách Khu Vực xét duyệt các báo cáo hoạt động của robot và android cũng như mọi hoạt động quan trọng liên quan đến trang thiết bị máy móc trong phạm vi quản lý của cơ quan, đánh giá nhân sự và các kế hoạch nhân sự, xem xét và sắp xếp thứ tự ưu tiên của các vụ điều tra và sự cố, và giao tiếp cũng như hợp tác với các cơ quan cảnh sát khác. Không có thẩm quyền giám sát. Không có nghĩa vụ tại Phòng Điều Hành trừ khi thực hiện công việc hỗ trợ và đánh giá. Có thể đưa chỉ thị hợp tác cho các Đội Giám Sát cũng như yêu cầu hợp tác từ các bộ phận khác nếu cần thiết khi đánh giá rằng vụ điều tra hoặc sự cố đã gia tăng mức độ nghiêm trọng hoặc cần được ưu tiên giải quyết.

  6. Trưởng Phụ Trách Khu Vực: Có nhiệm vụ xét duyệt các báo cáo hoạt động của robot và android cũng như mọi hoạt động quan trọng liên quan đến trang thiết bị máy móc trong phạm vi quản lý của cơ quan, định hướng điều tra vụ án hoặc sự cố, đánh giá và giữ trật tự cho mọi hoạt động an ninh công cộng của robot và android, xem xét và sắp xếp thứ tự ưu tiên của các vụ điều tra và sự cố, mở rộng hoặc thương lượng khu vực hoạt động thuộc cơ quan, và quản lý các robot và android hoạt động ngầm. Không có nghĩa vụ tại Phòng Điều Hành, mọi tài liệu về các vụ điều tra và sự cố đều được báo cáo bởi Trợ Lý Phụ Trách Khu Vực. Có thể đưa chỉ thị hợp tác cho các Đội Giám Sát cũng như yêu cầu hợp tác từ các bộ phận khác nếu cần thiết khi đánh giá rằng vụ điều tra hoặc sự cố đã gia tăng mức độ nghiêm trọng hoặc cần được ưu tiên giải quyết. Trưởng Phụ Trách Khu Vực có quyền từ chối bất cứ tổ chức, cơ quan, hay cá nhân nào di chuyển vào khu vực thuộc phạm vi quản lý của cơ quan mình kể cả khi tổ chức/cơ quan/cá nhân có cấp bậc thẩm quyền cao hơn cấp bậc cơ quan cảnh sát của mình nếu có lý do chính thức. Trưởng Phụ Trách Khu Vực có thể đề xuất đàn áp những cá nhân cụ thể và có thể yêu cầu vũ khí hóa robot và android trong quá trình đàn áp, đề xuất phải được phê duyệt bởi Trưởng Phòng Giám Sát và các Điều Hành Viên của tất cả mọi Đội Giám Sát có liên quan.

Robot & Android

  • Robot hỗ trợ cộng đồng (CAIS)

        Không có nhân dạng, đơn thuần là những cỗ máy di động được lập trình sẵn 1 số tiện ích và thông tin. Điều khiển bởi AI hỗ trợ cộng đồng.        Có ở khắp mọi nơi, robot hỗ trợ cộng đồng có thể hỗ trợ người dân tìm đường, sang đường, cảnh báo thông tin có ùn tắc giao thông, tình trạng sửa chữa đường xá, dùng để đăng ký vé phương tiện công cộng như xe bus, các loại tàu điện,… Dùng để cảnh báo nguy hiểm khi có phương tiện chưa được cấp phép tiến vào khu vực mà nó quản lý, ngoài ra nó có thể phát tín hiệu yêu cầu hỗ trợ y tế đến các bệnh viện gần nhất nếu xảy ra tai nạn, ẩu đả,…

  • Robot dân dụng: robot giúp việc, robot vệ sinh đường phố,… Loại này chỉ chuyên về 1 mặt nhất định, không được cấp phép truy cập vào những thứ liên quan đến bảo mật quốc gia. Robot dân dụng được sản xuất theo từng hãng, được lập trình chuyên về 1 mảng nhất định theo yêu cầu của người dùng. Robot dân dụng không có những tính năng của Robot cộng đồng.

  • Trợ lý ảo: Các AI của những công ty cung cấp dịch vụ hỗ trợ người dùng thực hiện những chức năng nhất định, được cấp phép quản lý của chính phủ.

  • Robot/Android quân dụng:

        Android tuần tra của cảnh sát mang nhân dạng không hoàn toàn, chỉ có dáng người có thể linh hoạt thay đổi phù hợp khi làm việc. Android cảnh sát được phép truy cập vào bản đồ và 1 số thông tin do chính phủ cấp phép, vì vậy chúng có khả năng khóa mục tiêu, truy đuổi và chiến đấu. Android cảnh sát có trí thông minh, nhưng không có suy nghĩ riêng, chúng được lập trình để phục tùng mệnh lệnh. Android cảnh sát không cần dựa theo bản đồ và tín hiệu của robot hỗ trợ cộng đồng, sở cảnh sát trực tiếp quản lý chúng và có sự liên kết giữa các sở ở mỗi khu vực, vì vậy chúng có thể di chuyển tự do giữa các khu vực để làm nhiệm vụ (nhưng thông thường chúng chỉ tuần tra ở khu vực mà sở cảnh sát cấp quản lý).
        Android cảnh sát không được thiết kế để tiêu diệt hoàn toàn mục tiêu mà ưu tiên việc bắt giữ, để đảm bảo an toàn cho người khác cũng như phòng trường hợp oan sai. Chúng sẽ ưu tiên bắt giữ và khống chế đối tượng tại chỗ và chờ cảnh sát quản lý đến xử lý phần tiếp theo.
        Các thanh tra của sở cảnh sát cần có thẻ cảnh sát để mang chúng đi làm nhiệm vụ cùng, mặc dù chúng có đủ trí thông minh để nhận diện gương mặt và giọng nói của các thanh tra thân thuộc nhưng suy cho cùng, robot là robot, không có thẻ cảnh sát thì không thực hiện yêu cầu nhiệm vụ.

https://unhumanize.carrd.co/#dftech

DFTech


Tập đoàn sản xuất Picobot và các thiết bị y tế khác